Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

BẢO VỆ BIỂN ĐẢO VÀ TINH THẦN ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

            Mười hai bến nước xin đăng lại bài phát biểu của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng tại cuộc hội thảo- mít tinh "Lịch sử Chủ quyền biển đảo Việt Nam" diễn ra vào sáng ngày 4 tháng 11 năm 2015 tại 35 Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.

            Lời dẫn của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng:

           Vì là thành viên sáng lập, Chủ tịch Hội Đồng Khoa học của Viện Nghiên Cứu Văn Hóa Biển, tôi đã cùng Chủ nhiệm các tổ chức bạn bao gồm Chương trình Minh Triết Làm chủ Biển Đông, Viện Nghiên cứu Lý Luận và Phát Triển, đồng chủ toạ buổi mitting - hội thảo về “Lịch sử Chủ quyền Biển đảo Việt Nam”, diễn ra vào sáng ngày 4 tháng 11 tại Hà Nội.*

          Buổi hội thảo đã bắt đầu bằng một sự cố bất ngờ. Điện đã bị cắt, diễn giả không thể dùng micro để phát biểu!

         Tuy nhiên, chương trình buổi Hội thảo vẫn được triển khai như đã được thông báo, không có gì thay đổi cả.*

           Sau lời giới thiệu của TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, thay mặt ban tổ chức, là lời chào hỏi của Giám đốc Chương trình Minh triết Làm chủ Biển Đông, Nguyễn Khắc Mai. Sau đó là bài tham luận khúc chiết của giáo sư Trần Ngọc Vương về sự thiếu vắng chứng cứ lịch sử của người Trung Hoa về chủ quyền Biển Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu về biển đảo Việt Nam Đinh Kim Phúc đã lên diễn đàn khẳng định mạnh mẽ với những chứng cứ xác thực chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Đinh Kim Phúc cũng không quên nhắc lại những hành động phản phúc của Trung Cộng khi dùng vũ lực trái phép nhằm cưỡng chiếm các lãnh thổ trên biển của Việt Nam, ngang ngược tự tạo ra đường lưỡi bò phi pháp, biến 85%
phần biển Đông Nam Á làm ao nhà.

           Tôi là người thứ tư được mời lên phát biểu.

            Không có bài phát biểu được sửa soạn trước, tôi nói trực tiếp mấy ý, nay xin ghi lại ngắn gọn như sau:

             Thưa các vị trưởng thượng nhân sĩ,
             Thưa các quý khách,

            Chúng ta họp mặt hôm nay trong thời điểm đặc biệt có 2 sự kiện quan trọng:


           1. Chính quyền dân chủ Philippines đã có quyết tâm và ý chí đứng trên quan điểm dân tộc, đưa Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài Thường Trực LHQ và ngày 29 tháng 10 vừa qua, tòa án này đã chính thức chấp nhận đơn kiện của Philippines.

          Chấp nhận đơn của Philippines là một thắng lợi lớn trên nguyên tắc cho Philippines: Tòa án xác định có thẩm quyền pháp lý (jurisdiction) để giải quyết và đưa ra phán xét căn cứ theo công ước quốc tế về luật biển và luật hàng hải hiện hành, một phần quan trọng trong những yêu sách của
Philippines.

        Điều này cũng có nghĩa là tòa án đã bác bỏ lập luận của Trung Cộng qua những tuyên bố chính thức của họ là ngược lại, tòa không có thẩm quyền phán xét.

       Trong lúc Trung Cộng đang có những hành động ngang ngược, tự cho mình cái quyền sở hữu Biển Đông thì quyết định này của Tòa án Trọng tài tại La Haye là một bước đầu thắng lợi của cuộc đấu tranh vì công lý, vì luật pháp quốc tế. Chính phủ Philippines, Tổng thống Benigno Aquino III đã tỏ ra rất sáng suốt, có những quyết định chiến lược để bảo vệ quyền lợi của đất nước mình, đi đầu trong việc bảo vệ biển Đông Nam Á.

        Tôi cũng rất mong muốn là Hội Thảo hôm nay của chúng ta gửi lời chúc mừng, nhiệt liệt ủng hộ chính sách đối ngoại rõ ràng, kiên cường, không khuất phục nước lớn mà Philippines đang thể hiện.

        Tuy là một nước không lớn mạnh hơn Việt Nam, tuy là dân tộc không có được lịch sử hào hùng kiên cường ngàn năm chiến thắng ngoại xâm, nhưng nhân dân Philippines và nhất là trí thức Philippines hôm nay đã có được danh dự ngẩng cao đầu nhìn ra thế giới.

         Việt Nam đã ngần ngại không chủ động đứng ra khởi kiện Trung Quốc hoặc đưa vấn đề Trung Quốc xâm lấn chủ quyền của Việt Nam ra các cơ quan tài phán quốc tế.

         Đây là một thực tế đáng buồn. Mặc dù Việt Nam là đất nước bị thiệt hại và là nạn nhân đau đớn nhất của những hành vi xâm lấn cướp bóc, sát hại ngư dân của Trung Quốc, nhưng ta đã chưa khởi kiện Trung Cộng.

         Cho đến chừng nào Việt Nam mới quyết định  khởi kiện?

         Dựa vào bối cảnh Philippines đưa đơn ra Tòa án Trọng tài, Việt Nam đã chỉ có một động tác nhỏ là gửi thư nói lên sự quan tâm.

        Tôi cho rằng như vậy là chưa đủ.

         Trong khi chờ đợi chuẩn bị hồ sơ phát động đơn kiện, Chính phủ Việt Nam có thể dễ dàng hành động mạnh mẽ và tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào tiến trình này ở Tòa Trọng tài La Hay như tham gia điều trần ở Toà Án Trọng Tài La Haye, xác định mạnh mẽ hơn chủ quyền lịch sử và thực tế của Việt Nam.

          2. Chủ tịch Tập Cận Bình được Chính phủ VN chính thức mời như một quốc khách, và sẽ bắt đầu hiện diện tại Hà Nội ngay ngày mai 5/11/2015 là một điều không hay, nhất là trong khung cảnh tranh chấp pháp lý về chủ quyền tại Biển Đông chưa ngã ngũ!

          Tôi lo ngại là hành động này sẽ được thế giới diễn giải như một lối hành xử gián tiếp ủng hộ cho lập luận về chủ quyền của Trung Quốc, hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam, trong những tranh chấp pháp lý tương lai.

         Trung Cộng thiếu chính nghĩa và lý lẽ nhưng dùng sức mạnh quân sự để đặt chúng ta trước một chuyện đã rồi, một tình trạng “de facto”.

          Nếu sự phản đối của của chúng ta quá yếu ớt, thì qua thời gian chẳng hạn sau 15, 20  năm, tình trạng thực tế sẽ chuyển thành một tình trạng có tính pháp lý (de jure) và có thể sẽ được các tòa án quốc tế thừa nhận.

          Trong khuôn khổ luật pháp phương Tây có khái niệm sở hữu ngược (adverse possession). Nếu kẻ lạ xâm phạm nhà anh mà anh không la lên đủ lớn để pháp luật biết tới thì sau một thời gian, kẻ lạ sẽ khai với luật pháp là nhà của anh ta và toà án có thể chuyển căn nhà qua tên kẻ lạ.

          Ý nghĩa cốt lõi của khái niệm này là: khi một người, hoặc một quốc gia có chủ quyền thì phải phát huy tích cực chủ quyền đó. Nếu không thì không xứng đáng giữ chủ quyền.

         Tôi e rằng chủ trương “không làm gì hết” của Việt Nam là hoàn toàn rơi vào bẫy của Trung Quốc.

          3. Về mặt chính trị, người đứng đầu của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, gần đây khi sang Mỹ và sang Anh, đã nói toạc móng heo là các đảo trên Biển Đông Nam Á là thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại. Ông chỉ nói khơi khơi nhưng chẳng đưa ra một bằng chứng cụ thể nào đáng tin cậy.

          Tôi hy vọng lãnh đạo Việt Nam sẽ thẳng thắn và công khai nói với Tập Cận Bình rằng quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam đã bị Trung Cộng cưỡng chiếm từ năm 1974, rằng những bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa cũng đã bị Trung Cộng lấn chiếm từ năm 1988.

           Đây là những hành động dùng vũ lực, vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc mà một nước lớn, thành viên Hội Đồng Bảo An như Trung Cộng không thể tự cho phép ngang nhiên hành động được.

           Tôi cũng hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam nhân dịp gặp gỡ trao đổi một cách thẳng thắn với ông Tập Cận Bình về việc xây dựng, tôn tạo những bãi đá thành những đảo nhân tạo là hành động vi phạm “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được các nước ASEAN và Trung Quốc ký ngày 04/11/2002 tại Campuchia”.

          Tôi cũng đề nghị trong chương trình làm việc của Chủ tịch Tập Cận Bình, nên dẫn ông ta đi thăm bảo tàng lịch sử ngàn năm của VN để ông ta thấy Lý Thường Kiệt phá Tống, Lê Lợi đuổi giặc Minh, Nguyễn Huệ tiêt diệt quân Thanh như thế nào.

          Tôi biết là người Trung Quốc sau năm 1949 đã không biết gì về lịch sử bang giao Việt-Trung, dấu nhẹm những bài học về những thất bại của Tàu từ ngàn xưa.

          Được tiếp xúc với nhiều sinh viên Trung Hoa sang Bỉ sửa soạn luận án Tiến sĩ, những người cùng thế hệ với ông Tập Cận Bình, tôi rất rõ về trình độ văn hoá lịch sử của họ. Họ đã bị đầu độc một cách có hệ thống, xuyên tạc lịch sử một cách trắng trợn, coi các nước Đông Nam Á, đặc biệt  Việt Nam, là thuộc quốc của họ đã bị các đế quốc phương Tây chiếm đoạt. Trung Cộngnay trỗi dậy phát triển sẽ thu về một mối Đông Nam Á.

         Luận điệu xuyên tạc này đã bị tôi chỉ trích năm 1992 (ba năm sau vụ đàn áp sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn, 1989), ngay tại Bảo Tàng Viện Thiểm Tây, toạ lạc không xa mộ Tần Thuỷ Hoàng, trước mặt gần 400 nhà khoa học quốc tế và họ đã vỗ tay vang dội tán thưởng.

        Nhân dịp này nên cho ông ta xem hồ sơ toàn tập về các bản đồ Trung Hoa mà hiện nay Việt Nam có trong tay.

         Họ Tập dám bảo các đảo trên Biển Đông thuộc TQ từ thời cổ đại, vậy mong ông ta chỉ rõ việc này trên bản đồ của chính người Trung Hoa vẽ từ xưa.

          Tôi nghĩ chúng ta nên thẳng thắn giúp ông ta biết sự thật, có ích cho quyền lợi của Việt Nam, sự yên tĩnh ở Biển Đông Nam Á và nền hoà bình trên thế giới.

          Kính thưa các nhân sĩ Bắc Hà,
          Các bạn trẻ thân mến,

        Tôi thành thật cám ơn anh Nguyễn Khắc Mai đã vượt qua nhiều khó khăn để tổ chức được buổi Hội Thảo hôm nay, đúng vào một thời điểm nhạy cảm và cho phép tôi phát biểu.

         Xem danh sách các khách quý bao gồm đông đảo các vị đã từng là quan chức cao cấp của chính quyền, tôi rất đỗi phấn khởi.

        Tình hình chung của đất nước đã đi đến một giai đoạn khẩn trương, nguy cơ mất biển, mất đảo đã ngày càng nghiêm trọng và việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đất nước là mối quan tâm của tất cả người dân Việt Nam, trong cũng như ngoài nước. Phải nói sự hung hãn của chính quyền Trung Cộng, những hành động ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế đã làm tất cả những ai có dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản đều phải thức tỉnh, quan ngại, lo âu.

         Nguy cơ mất nước không chỉ là một giả thuyết nữa mà là một hiện thực cận kề tính từng năm.

          Đây cũng là chất keo mạnh mẽ gắn chặt hơn bao giờ hết sự đoàn kết gắn bó của hơn 4 triệu người Việt sống ở nước ngoài và 90 triệu người Việt sống trên lãnh thổ Việt Nam.

          Tôi hy vọng sẽ có một ngày, sẽ có một hội thảo đông đảo hơn nữa, bao gồm các tinh hoa của đất Việt không chỉ ở Hà Nội mà trên toàn cõi Việt Nam, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

          Vì một hoàn cảnh lịch sử nghiệt ngã người Việt đã phải bỏ nước ra đi tìm đất sống. Trong cái rủi này có cái may: không có đâu trên thế giới mà không có người Việt, không có chuyên môn nào mà người Việt không có chuyên gia, không có ngoại ngữ nào mà người Việt không biết…

          Đây chính là sức mạnh và khi có nguy cơ mất nước, sức mạnh ấy sẽ bội phần nhân lên, đẩy lùi những thế lực xâm lấn hung bạo nhất, ác độc nhất…

          “Từ độ mang gươm đi mở cõi

           Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

            (Thơ Huỳnh Văn Nghệ).



Hà Nội ngày 4/11/2015
Nguyễn Đăng Hưng,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét